Hơn một ngày đã trôi qua kể từ sau thông báo chính thức của Barcelona khẳng định Messi sẽ không tiếp tục đồng hành cùng CLB. Chủ tịch Joan Laporta cũng đã tổ chức một cuộc họp báo lý giải nguyên nhân cho quyết định của Barcelona. Nhưng phải chăng, đấy chưa phải là phía cuối con đường?

Chóng vánh

Hơn 11h đêm theo giờ Hà Nội, nhật báo MARCA cùng đài phát thanh RAC1 của Tây Ban Nha kích hoạt những cảnh báo đầu tiên. “Vụ gia hạn Messi có nguy cơ đổ vỡ hơn bao giờ hết”, cả hai nguồn tin này đồng thời khẳng định, dù lý do thì mỗi bên đưa ra một kiểu. RAC1 nói rằng Messi không cảm thấy tương lai ở Camp Nou sáng sủa, mọi thứ trông thật mù mịt, từ kế hoạch tái thiết, chất lượng đội hình cho đến nền tảng tài chính của CLB. Song, theo thời gian, thông tin này dần trở nên kém thuyết phục. Tờ báo tại Madrid thì nhắc lại vấn đề giảm tải quỹ lương đang diễn ra không thuận buồm xuôi gió như kỳ vọng của ban lãnh đạo Laporta. Họ đã thanh lý nhiều cầu thủ, nhưng chủ yếu vẫn là những gương mặt trẻ. Và nếu quỹ lương ấy được ví như một chiếc bình đầy nước, Barcelona mới chỉ “đổ” đi vài giọt. Không ăn thua! Messi đã đồng ý giảm đến 50% lương, tức là sẵn sàng bỏ đi 20 triệu euro nếu chiếu theo bản hợp đồng cũ. Nhưng ngay cả khi như vậy, chiếc bình kia vẫn chưa đáp ứng các quy định mà LaLiga đặt ra.

Đáng lẽ, đó là thời điểm phần đông bắt đầu chìm vào giấc ngủ, khi mà bóng đá mùa giải mới vẫn chưa trở lại. Nhưng suốt gần 2 tiếng đồng hồ, chúng ta có thể hình dung ra cảnh tượng không chỉ các Culer, mà những tín đồ túc cầu giáo còn thức cầm lấy chiếc smartphone vuốt liên tục. Với những ai đã yên giấc, buổi sáng khi thức dậy, có lẽ họ đã cảm thấy mình như vừa “từ trên trời rơi xuống”. Sốc và không thể tin vào mắt những gì đọc được. Bởi chưa đầy 2 tiếng đồng hồ sau những “tin đồn” từ báo chí, CLB chủ sân Camp Nou chính thức hóa những thông tin ấy. Từ trang chủ cho đến mạng xã hội, thông báo chính thức được đưa ra: Leo Messi sẽ không còn tiếp tục đồng hành với Barcelona. Thông báo chi tiết cũng hết sức gọn gàng, với 3 đoạn có kết cấu rõ ràng: nêu vấn đề, nguyên nhân, và kết thúc. Thông báo ấy viết như sau: “Mặc dù CLB và Messi đã đạt được thỏa thuận và ý định rõ ràng của các bên là ký hợp đồng mới vào ngày hôm nay, song điều này đã không thể diễn ra vì những trở ngại về mặt tài chính và cấu trúc lương (theo quy định của LaLiga). Kết quả, Messi sẽ không tiếp tục ở lại Barcelona. Đôi bên lấy làm tiếc nuối sâu sắc khi nguyện vọng của Messi lẫn CLB cuối cùng không thể đạt được. Barcelona bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến Messi vì những đóng góp lớn lao của anh trong sự phát triển của CLB, cũng như chúc mọi điều tốt đẹp nhất đến Messi trong tương lai ở cả góc độ sự nghiệp lẫn cuộc sống.”

Mọi thứ đã bắt đầu và kết thúc như thế chỉ trong chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. Ngày 05 tháng 8 những tưởng là ngày người hâm mộ Barcelona toàn thế giới đón nhận thông báo chính thức về việc Messi đặt bút ký gia hạn hợp đồng thêm 5 năm, nhưng cuối cùng, đó là ngày anh chính thức không còn là người của CLB. 2 tiếng đồng hồ khép lại hơn 2 thập kỷ Messi đến và gắn bó cùng Barcelona. 

Chóng vánh

Trong vài tháng qua, Barcelona mang đến cảm giác lạc quan đối với người hâm mộ rằng họ sẽ đạt được thỏa thuận gia hạn hợp đồng với ngôi sao số 1 của mình. Báo giới Tây Ban Nha cũng tin vào viễn cảnh đó, khi Messi chấp nhận giảm 50% lương một nửa. Thực tế, Barcelona và Messi đúng là đã đạt được thỏa thuận gia hạn. Nhưng Barcelona không thể đăng ký anh vào đội hình cho mùa bóng mới, và trong hoàn cảnh đó, họ buộc phải tuyên bố chia tay Messi.

Đích thân Laporta cũng đã nói rõ trong cuộc họp báo của ông: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với Messi, thực tế là như vậy, nhưng không thể hợp thức hóa và đăng ký lên LaLiga. Những gì chúng tôi được kế thừa khi tiếp quản CLB thật sự tồi tệ. Sau khi có kết quả kiểm toán, những con số khủng khiếp hơn những gì chúng tôi tưởng và chúng được tính dựa trên những con số chính thức. Nền tài chính trong quá khứ khiến quỹ lương hiện tại của đội bóng vượt đến 110% mức lợi tức mà CLB có được. Khoản lỗ quá nhiều và khoản nợ CLB đang phải gánh lớn hơn dự kiến. Chúng tôi không thể xoay sở nổi và trước những quy định về ngân sách – tài chính của LaLiga, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc không thể gia hạn với Messi.”

Sau khi có kết quả kiểm toán, những con số khủng khiếp hơn những gì chúng tôi tưởng và chúng được tính dựa trên những con số chính thức. Nền tài chính trong quá khứ khiến quỹ lương hiện tại của đội bóng vượt đến 110% mức lợi tức mà CLB có được.

Năm 2013, LaLiga thành lập một phòng ban chuyên trách kiểm soát kinh tế - tài chính của giải đấu. Ở đó, các chuyên gia xem xét và thẩm định nền tài chính của từng CLB chuyên nghiệp của LaLiga và giải hạng hai Segunda Division. Những quy định nghiêm ngặt về hạn mức chi tiêu được LaLiga đặt ra, dưới sự gật đầu của 42 CLB chuyên nghiệp tại Tây Ban Nha. Thông qua một ứng dụng có tên “LaLiga Manager”, các CLB lẫn LaLiga có thể biết rõ liệu việc đăng ký một tân binh vào đội hình cho mùa giải có được phép hay không, nói cách khác là những chi phí dành cho tân binh đó có nằm trong hạn mức chi tiêu của CLB hay không.

Khác với Luật Công bằng Tài chính của UEFA, quy định của LaLiga mang tính chất dự toán về ngân sách sử dụng của đội bóng trong mùa giải mới thay vì lần về các năm tài khóa cũ. Theo lý giải của Swiss Ramble, mức lương trần kia được tính dựa trên công thức doanh thu trừ cho chi phí vận hành, trừ cho các khoản nợ phải trả ở mùa giải kế tiếp. 

Hầu hết báo chí Tây Ban Nha đều tin rằng Barcelona phải giải phóng được khoảng 200 triệu euro từ việc chuyển nhượng và cắt giảm quỹ lương mới đáp ứng quy định nói trên của LaLiga trước khi bước vào mùa giải 2021/22. Nhưng quá trình đó gặp khó, như tờ MARCA đã nêu. Không những thế, một động thái vào giữa tháng 6 từ LaLiga khiến những đội bóng như Barcelona càng trở nên khốn đốn hơn. LaLiga không còn cho phép những ưu đãi về lương trần như mùa giải trước, họ thông qua một quy định tạm thời, áp dụng cho mùa giải 2021/22, liên quan đến hạn mức chi tiêu đối với những CLB có quỹ lương vượt mức cho phép ở mùa giải 2020/21. Mùa giải trước, 35 trên tổng số 42 CLB ở Tây Ban Nha có quỹ lương vượt mức cho phép, gồm Barcelona. Barcelona có quỹ lương ở mức vượt 110% so với tổng thu nhập có được. Vậy nên, theo quy định tạm thời được ban bố, chỉ 25% số tiền sau thuế thu về từ việc chuyển nhượng cầu thủ của các CLB này được dùng vào việc chi tiêu cho các tân binh, 75% còn lại phải được dùng cho việc trả nợ.

Giả sử trong trường hợp Barcelona bán được một cầu thủ X và thu về được 40 triệu euro sau thuế, chỉ 25% số tiền 40 triệu euro này, tức là 10 triệu euro được CLB tái đầu tư vào những tân binh (gồm việc trả phí chuyển nhượng lẫn trả lương). Phát biểu của Laporta một lần nữa tái khẳng định thảm cảnh của Barcelona: “Ban đầu, chúng tôi ước đoán khoản lỗ của mùa giải trước đâu đó trên 200 triệu euro, nhưng sau khi kiểm toán vào cuộc, con số lên tới 487 triệu euro. Giới hạn còn lại của quỹ lương đã hết, ngay cả khi không có Messi. Hiện chúng tôi đã sát trần 95% rồi. Chúng tôi không thể chỉ đơn giản là đơn phương chấm dứt hợp đồng với các cầu thủ đã được ký từ đời ban lãnh đạo trước. Vì sẽ có nguy cơ ra tòa và gặp rắc rối lớn. Quỹ lương được cho phép ở mức tối đa 65-70% xét trên thu nhập. Do đó, sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Chính sách trả lương phải điều chỉnh.”

Khoản lỗ của Barcelona mùa giải 2020/21 lên tới 487 triệu euro

Thế mới thấy, dù đã chạy đua với thời gian, nỗ lực thanh lý một series các cầu thủ như Junior Firpo, Jean-Clair Todibo, Konrad de la Fuente, Francisco Trinco hay Carles Alena, Barcelona vẫn không giải quyết được vấn đề là bao. Bởi tiền thu về từ các thương vụ này, họ chỉ được dùng có 25% cho việc tái đầu tư vào các tân binh, gồm cả tân binh Messi. Barcelona đặt ra hạn chót cho việc thuyết phục các cầu thủ giảm lương là vào ngày 13 tháng 8 tới. Đó cũng là thời điểm LaLiga chốt danh sách đăng ký đội hình của các đội cho mùa bóng mới, với những gì các đội đang có trong tay (bởi kỳ chuyển nhượng mùa hè bấy giờ vẫn chưa đóng lại). Nếu không đáp ứng hạn mức về lương trần theo quy định từ giải đấu, Barcelona không thể đăng ký mới bất kỳ tân binh nào đã chiêu mộ trong mùa hè này. Thế là đội bóng xứ Catalunya rút ống thở cho những hy vọng về một thỏa thuận sẽ được ký với Messi.

Hết thật rồi !

“Cách duy nhất có thể gia hạn và đăng ký Messi là phải chấp nhận thỏa thuận mà LaLiga đã ký với CVC Partners. Nhưng đó là thỏa thuận mà chúng tôi không thể đồng ý. Bởi vì nó sẽ thế chấp tương lai của CLB trong vòng 50 năm, về bản quyền truyền hình. Đấy lại là thứ tôi không thể làm. Vì Barcelona đã tồn tại hơn 100 năm nay, CLB này quan trọng hơn bất kỳ cầu thủ, chủ tịch hay HLV nào, kể cả cầu thủ quan trọng nhất lịch sử.”

Laporta có nói như vậy trong cuộc họp báo của ông. Một ngày trước khi có thông báo Barcelona chia tay Messi, LaLiga cho biết họ đạt được một thỏa thuận với quỹ đầu tư CVC Partners. Quỹ này sẵn sàng bơm 2,7 tỷ euro vào giải đấu, 90% số tiền này sẽ chảy thẳng vào túi 42 CLB chuyên nghiệp ở LaLiga lẫn giải hạng hai Segunda Division.

Ban đầu, truyền thông Tây Ban Nha, nhất là Catalunya tin rằng thỏa thuận đó sẽ giúp Barcelona “nới” được trần lương ra một khoảng đủ rộng để có thể hoàn tất vụ gia hạn Messi. Nói cách khác, thỏa thuận này đến như một sự cứu vớt.

Song, lần lượt sau đó, Real Madrid và cả Barcelona đều ra thông báo chính thức phản đối. Thậm chí, ngay trong thời điểm tất cả thế giới đều xoay vần cùng câu chuyện Messi, Barcelona còn dành một khoảnh đất trên các nền tảng truyền thông của họ để phát đi thông điệp không ủng hộ thỏa thuận giữa LaLiga và CVC.

Vì sao lại thế? Trong thông báo chính thức của LaLiga về thỏa thuận đã nêu, họ không nói rõ cách phân chia số tiền 2,7 tỷ euro đó, cũng như mục đích sử dụng số tiền được phân chia cụ thể cho các hạng mục nào ở từng CLB.

Nhưng theo truyền thông Tây Ban Nha, Barcelona sẽ nhận được khoảng 280 triệu euro trong vòng 3 năm, dựa trên tỷ lệ ăn chia bản quyền truyền hình của những mùa giải trước. Song, chỉ 15% số tiền nhận về của mỗi CLB được sử dụng cho mục đích chuyển nhượng hay trả lương, khoản còn lại được dùng cho các hạng mục khác, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, marketing hay phát triển thương hiệu. Con số 15% ấy nếu quy đổi sẽ chỉ là khoảng 42 triệu euro trong vòng 3 năm, mà nói như Laporta thì là quá ít ỏi để Barcelona giải quyết vấn đề về ngân sách của họ theo quy định từ LaLiga.

Không những thế, Barcelona và Real Madrid xem thỏa thuận đó là một nguy cơ thế chấp giải đấu trong lâu dài. LaLiga sẽ thành lập một công ty mới, công ty này bao gồm mọi hoạt động kinh doanh của giải đấu, tức là gồm cả các khoản thu từ bản quyền truyền hình – vốn là nguồn thu nhập chính của mỗi giải đấu. CVC sẽ nắm giữ 10% cổ phần của công ty liên doanh đó, vào thỏa thuận kéo dài 50 năm.

Mặc dù vậy, trên trang Twitter của mình, ông Javier Tebas phản bác các phát biểu của Laporta, khi khẳng định không có chuyện LaLiga khiến các CLB phải thế chấp tương lai gì cả, mà thỏa thuận với CVC sẽ chỉ giúp các CLB càng phát triển và phủ sóng toàn cầu. Khi ấy, Barcelona mới có sức nặng để vay ngân hàng (cũng là một dạng thế thân theo thời gian).


Barcelona đứng trước lựa chọn, và họ đã không chọn Messi.

Dẫu vậy, thực hư các điều khoản đã ký giữa LaLiga và CVC thế nào thì chỉ người trong cuộc mới rõ. Nhưng phía Real Madrid, trong thông báo của họ có nêu rõ, LaLiga đã không để các CLB được tham gia vào quá trình đàm phán, không được tiếp cận đầy đủ thông tin về thỏa thuận, cũng không biết rõ liệu đấy có phải là một cuộc đấu thầu minh bạch. Trong quá khứ, CVC cũng từng chào mời đối với Serie A và Bundesliga, nhưng đều bị từ chối. Nay, LaLiga gật đầu.

Những gì Laporta phát đi trong cuộc họp báo của ông tuy mang đến dấu hiệu rằng câu chuyện Messi thế là đã hết. Dù vẫn còn thời hạn đăng ký cầu thủ đến ngày 13 tháng 8, nhưng Laporta đã quyết định. Vị chủ tịch 59 tuổi nói rằng ông không muốn Messi ở trong tình trạng lấp lửng (limbo), vì ngôi sao người Argentina thực tế vẫn có những đề nghị và lựa chọn khác. Anh đã hy sinh đủ rồi, và CLB không muốn anh phải lâm vào thế khó.
Liệu lý giải đó của Laporta có thật sự thuyết phục? Kênh truyền hình El Chringuito TV đưa tin rằng phó chủ tịch Rafa Yuste của Barcelona đã đề nghị ông Jorge Messi nói con trai mình giảm tiếp 30% lương nữa (sau khi đã giảm 50% lương). Sau đó, ông Jorge chỉ trích Yuste rằng ban lãnh đạo Laporta đã dùng tên tuổi con trai ông để giành chiến thắng trong chiến dịch tranh cử.

Javier Tebas thì viết trên trang Twitter của ông, với nội dung đại ý: 72 tiếng đồng hồ trước khi có thông báo Barcelona chia tay Messi, Laporta giải thích với ông rằng thỏa thuận giữa LaLiga với CVC là một giải pháp hoàn hảo và Laporta ủng hộ phương án. Nhưng có một thành viên trong ban lãnh đạo Laporta đã khuyên ông từ chối, đó là người thường xuyên nói chuyện với một nhân vật ba chấm nào đó. Tờ ARA tin rằng chính là giám đốc điều hành Ferran Reverter đã khuyên Laporta không ủng hộ thỏa thuận nói trên và nên đứng về chung chiến tuyến với Florentino Perez của Real Madrid.

Chưa hết, đồng sáng lập của tập đoàn Mediapro, ông Jaume Roures, người từng đóng góp tài chính giúp ban lãnh đạo Laporta đạt đủ số tiền ký quỹ với LaLiga theo quy định trước khi tiếp quản Barcelona, đã nói trên đài phát thanh RAC1 rằng: “Theo những gì tôi được biết, vụ gia hạn và đăng ký Messi vào đội hình tham dự mùa giải mới đã được nộp lên LaLiga, cũng như được đồng ý vài ngày trước. Nhưng rồi mọi thứ thay đổi và tôi không rõ vì lý do gì.”

Phải chăng Laporta sau khi nắm được chính xác tình hình nghiêm trọng của nền tài chính CLB sau cuộc kiểm toán, mới vỡ lẽ rằng Barcelona không thể tiếp tục gánh khoản lương của Messi, ngay cả khi mà siêu sao này đã chấp nhận giảm 50% lương? Và khi mà Laporta lã “lỡ” chọn đứng về phía của Florentino Perez, từ vụ Super League, cho tới vụ CVC, ông đành phải chọn hy sinh Messi?

Dù thế nào, chúng ta vẫn đang có một sự thật khác hiển hiện ngay trước mắt. Đó là PSG sẽ không bỏ qua Messi. Theo truyền thông Pháp, tháp Eiffel đã được thuê, số áo 19 cũng đã được in. Messi rồi sẽ hội ngộ Neymar? Viễn cảnh này không thể loại trừ.

Và còn một thực tại khác, dấu chấm hết có lẽ đã được hạ xuống. Những người hâm mộ Barcelona không nên hy vọng mù quáng nữa – như chính thông điệp liên tục được nhắc lại của Laporta – một một kỷ nguyên đã chấm dứt. “Có một kỷ nguyên trước và sau Messi ở Barcelona,” Laporta bảo vậy.

Hoàng Thông Le Foot

Với Barcelona hay Real Madrid, họ xem thỏa thuận giữa LaLiga và CVC chỉ là một miếng cứu đói trước mắt, nhưng sẽ phải đánh đổi to lớn trong dài hạn, cụ thể là nửa thế kỷ.
Liệu có giả thuyết rằng Barcelona đang muốn tuyên chiến và tất tay với LaLiga, với Javier Tebas thông qua câu chuyện Messi? Theo chính Laporta có nói trước truyền thông, ông không tìm cách “tống tiền” LaLiga hay Tebas. Vấn đề chỉ là Barcelona phải ưng thuận với thỏa thuận của CVC. Song, như đã nói, Barcelona phản đối thỏa thuận này. Barcelona đứng trước lựa chọn, và họ đã không chọn Messi.